Đọc vị con người bạn qua giấc mơ
- Lăn - Tâm lý học tuổi trẻ
- Jun 13, 2020
- 6 min read
Updated: Aug 3, 2020
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao lại có giấc mơ khi ngủ? Và liệu những giấc mơ ấy có nói lên điều gì về mình không? Hay những vấn đề xoay quanh giấc mơ như mối liên hệ của giấc mơ với đời sống khi tỉnh, chất liệu giấc mơ – trí nhớ trong giấc mơ, các kích thích của giấc mơ và các nguồn cho giấc mơ, tại sao khi tỉnh người ta lại quên đi giấc mơ, những đặc điểm tâm lí học của giấc mơ, mối liên hệ giữa giấc mơ và các bệnh tâm thần,… Chắc hẳn không ít lần chúng ta thấy trong các truyện dân gian xuất hiện những giấc mơ cho phép báo trước tương lai, hay trong các bộ phim Trung Quốc đặc biệt là phim cổ trang hay xuất hiện các hiện tượng đoán mộng, mộng báo trước tương lai. Tuy nhiên, trong cuốn sách Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ của Sigmund Freud đã đưa ra những minh chứng, nhữngh lí luận mang tính khoa học cho chúng ta thấy được “thực ra thì cái tương lai mà giấc mơ cho chúng ta thấy đâu phải là cái tương lai rồi sẽ đến, mà chỉ là cái tương lai mà chúng ta mong mỏi rằng nó sẽ đến như vậy”. Biết đâu một ngày nào đó, chúng ta bỗng xuyên không trở về quá khứ, thì cuốn sách này sẽ giúp bạn trở thành nhà chiêm mộng học tài ba thì sao nhỉ? Sau khi đọc xong cuốn sách đó, tôi đã tự phân tích một số giấc mơ trước đó của mình. Tại bài viết này tôi xin mạo muội chia sẻ những phân tích về một số giấc mơ của chính mình.

Giấc mơ thứ nhất: Khi đó tôi tầm 9 – 10 tuổi, tôi có một giấc mơ lặp đi lặp lại rất nhiều lần mà tôi không thể giải thích được. Mỗi lần chìm vào giấc ngủ tôi lại chiêm bao thấy những con quỷ mắt to , tai dài, miệng rộng, đầu tóc rũ rượi, gương mặt gớm nhiếc. Chúng không ngừng đuổi theo tôi qua hết tòa nhà này đến dãy phố kia. Tôi lại càng không hiểu tại sao một người vốn nhát gan và sợ ma như tôi lại có đủ dũng khí mà đối diện và đánh trả lại những con ma gớm nhiếc đó. Khi đó và đến sau này khi lớn lên tôi vẫn mãi chẳng hiểu tại sao tôi lại có giấc mơ kì lạ như vậy. Sau khi đọc xong cuốn sách “Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ” của Sigmund Freud, tôi đã phần nào hiểu ra những ý nghĩa ẩn chứa trong đó. Trước hết là bối cảnh cuộc sống tinh thần của tôi khi giấc mơ diễn ra. Khi đó gia đình tôi là một gia đình khá là gia giáo và có phần trọng nam khinh nữ. Các cháu gái, con gái trong nhà được dạy dỗ một cách nghiêm khắc, và người lớn trong nhà luôn nói với chúng tôi rằng con gái là phải…, con gái không nên… những câu nói ấy luôn vang vọng trong đầu chúng tôi mà cho đến bây giờ tôi vẫn rất ghét những câu nói ấy. Có thể mọi người góp ý thiện chí cho tôi nhưng nếu họ dùng cụm từ là con gái ở trước sẽ khiến tôi không thể kiềm chế được những phản ứng gay gắt của bản thân. Những cái điều gia giảng ấy khiến tôi rất bất mãn và tưởng tượng ra đủ kiểu để chống đối lại. Tôi chẳng thể hiểu tại sao con gái phải rửa bát, giặt quần áo còn con trai thì không, tại sao con gái không rửa bát thì bị coi là lười, rửa thì coi là điều đương nhiên; còn con trai rửa thì được khen là chăm còn không rửa là chuyện bình thường,… Nhưng đến cuối cùng tôi lại chẳng thể vượt qua người lớn mà đứng lên đấu tranh được cả. Và có lẽ giấc mơ ấy chính là sự phản kháng vô thức của tôi. Hình ảnh những con ma chính những lời nói bất công, những ứng xử bất công tôi phải chịu, tôi bị ràng buộc. Hình ảnh con ma với cái miệng rộng chính là những lời nói, còn cánh tay dài chính là sự ràng buộc, những bất công. Và hành động đối đầu, đánh trả những con ma ấy chính là ước muốn phản khảng mà tôi chẳng thể thực hiện được ở thực tại mà chỉ có trong mơ tôi mới thỏa mãn được ước muốn ấy. Có lẽ chính giấc mơ ấy đã giải tỏa những dồn nén uất ức trong tôi, đã giúp tôi vẫn có cái nhìn tươi sáng về thực tại. Và cho đến bây giờ gia đình tôi đã dần bó những sự bất công ấy, những cái nhìn khắt khe ấy, các em gái tôi cũng được sống trong thế giới tinh thần tốt đẹp hơn. Có lẽ chúng sẽ không có những giấc mơ kì lạ như tôi. Giấc mơ thứ 2: Giấc mơ này đã từng khiến tôi lầm tưởng mình có khả năng tiên tri, cảm nhận được tương lại. Hồi đó tôi học lớp 7, trong khối vào mỗi kì thi tôi luôn là người về nhì, và luôn ước muốn trở thành thủ khoa. Tình cờ trong đợt thi đó, ở môn toán có một bài 4 điểm cả khối chỉ có tôi làm đúng bài đó. Bản thân vẫn giữ vững phong độ, còn đối thủ thì lại tụt dốc nên tôi rất hi vọng và có niềm tin là mình chắc chắn sẽ đạt thủ khoa. Sau đó tôi đã mơ thấy mình đạt thủ khoa và nhận phần thưởng tuyên dương của nhà trường. Và rồi chuyện đó đã xảy ra như trong giấc mơ. Kể từ đó tôi nghĩ liệu bản thân mình có năng lực cảm nhận trước tương lai hay không. Nhưng đó dường như chỉ là ăn may và tuyệt nhiên sau đó tôi không có một giấc mơ “tiên tri” nào nữa cả. Đến giờ, sau khi đọc cuốn sách “Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ” của Sigmund Freud tôi đã có thể hiểu phần nào giấc mơ đó. Giấc mơ chẳng qua là thỏa mãn ước muốn thành thủ khoa của tôi. Các bạn sẽ cho ràng nếu chỉ là ước muốn vậy tại sao trước đó tôi không mơ. Câu trả lời là tại thời điểm đó khi thấy mình có cơ sở trở thành thủ khoa nên luôn suy nghĩ về nó và ước muốn đẩy lên bậc cao nhất. Ngày nghĩ nhiều đêm ắt sẽ mơ. Trong giấc mơ chính xác về địa điểm, quá trình trao phần thưởng,.. bởi vì tôi đã chứng kiện sự việc tương tự nhiều lần. Và tại sao giấc mơ lại đúng thì đơn giản là ước muốn của tôi có cơ sở trong thực tại, và chuyện nó đến là sớm hay muộn thôi. Chứ hoàn toàn không phải do tôi có năng lực tiên tri gì cả. Giấc mơ thứ ba: Giấc mơ thỏa mãn nhu cầu sinh lí Tôi chắc chắn sẽ có không ít người đã từng có giấc mơ như tôi. Và thực tế trong cuốn Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ, Sigmund Freud đã đưa ra những giấc mơ tương tự như vậy. Tôi cũng không nhớ rõ lúc đấy mình bao nhiêu tuổi. Nếu Sigmund Freud không đưa ra những ví dụ tương tự và không giải thích chúng thì có lẽ tôi sẽ không dám chia sẻ giấc mơ này với các bạn. Lúc đó tôi chiêm bao thấy bản thân mình đang rất buồn đi tiểu tiện. Tôi bèn đi ra nhà vệ sinh và đi tiểu tiên. Vừa giải quyết xong tôi thấy bản thân rất thoải mái vì đã thải những thứ không cần thiết ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, thoải mái chưa được bao lâu tôi choàng tỉnh dạy và phát hiện nệm đã ướt. Lúc dó tôi không thể hiểu nổi tại sao bản thân mình lại có thể như thế. Nhưng sau khi đọc cuốn sách này tôi đã hiểu. Đó là một điều hết sức bình thường mà tôi chẳng thể cưỡng được. Và tại sao lại thế? Các bạn hãy đọc cuốn sách này, để trả lời được câu hỏi ấy nhé! Chắc hẳn các bạn cũng tò mò và muốn tự phân tích được những giấc mơ kì lạ của bản thân mình đúng không? Hãy đọc cuốn sách Về giấc mơ và diễn giải giấc mơ của Sigmund Freud và chia sẻ cho tôi biết về giấc mơ của các bạn nhé! - Lăn -
Thank you
Lăn - Tâm lý học tuổi trẻ là một dự án phi lợi nhuận với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Xin cảm ơn!
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Lăn - Tâm lý học tuổi trẻ. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Lăn - Tâm lý học tuổi trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Comentarios